Nghệ nhân Nhân Dân Trần Độ
Pv: Thưa Nghệ nhân Nhân Dân Trần Độ, thật khó có thể tin được giữa thời buổi kinh tế 4.0 này, chúng ta được thưởng thức những bộ sưu tập gốm sứ được phục chế thành công men gốm cổ, có niên đại từ hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê... Phải chăng với ông, nghề gốm là niềm đam mê, là tâm huyết , là cả sự nghiệp cống hiến trong suốt nửa thế kỷ. Ông có thể chia sẻ một chút về cá nhân ông, về niềm đam mê các dòng men cổ mang những giá trị văn hóa của dân tộc ?
Tôi may mắn sau đó được bác ruột truyền nghề . Cụ vốn là thợ gốm giỏi của làng gốm truyền thống Bát tràng.
Khi phần nào nắm được bí quyết của nghề, năm đó tôi trăn trở tìm cho mình một hướng đi riêng trong làng gốm. Thời kỳ đó, tìm được cho mình một con đường, một cách nghĩ , một hướng phát triển sự nghiệp quả là lắm gian nan. Nghiên cứu về gốm cổ Bát tràng, bản thân tôi bị chinh phục, mê hoặc bởi những sản phẩm gốm cổ của làng nghề gốm Bát tràng khi xưa.
Thời điểm làng gốm Bát tràng nhà nhà làm gốm xuất khẩu, thu ngay lợi lớn, việc tôi bỏ qua lợi nhuận đến với sự nghiệp phục dựng gốm cổ Bát tràng được thiên hạ coi như kiểu “ bơi ngược dòng ”. Nói vui một chút câu chuyện quá khứ. Khi đó có người còn nói vụng sau lưng : Trần Độ phục chế những sản phẩm cổ “ chỉ có bán cho chó ”. Nghe được tôi không bực, không giận họ. Tôi lại càng quyết tâm làm làm cho kỳ được theo con đường mình đã chọn. Tôi có niềm tin tưởng, hôm nay chưa hiểu, ngày mai mọi người sẽ thấy, sẽ hiểu.
Không thể kể ra đây biết bao đêm trăn trở, biết bao mồ hôi công sức bỏ ra cho tới ngày tôi làm chủ được bí quyết phục dựng dòng gốm Bát tràng cổ xưa. Nhân đây tôi muốn chia sẻ với độc giả Nguồn Việt một kỷ niệm riêng của vợ chồng tôi, nhưng liên quan tới nghề. Năm đó, tôi đổ hết tiền bạc mày mò thử nghiệm một kiểu gốm mới. Lò đã đốt đến giai đoạn cuối mà củi trong nhà đã cạn. Củi hết, tiền mua củi cũng chẳng còn, biết lấy gì nuôi ngọn lửa đang cháy trong lò. Hai vợ chồng nhìn nhau rồi ngậm ngùi đi đến một quyết định khó khăn. Đó là chúng tôi căn răng chẻ nhỏ một phần chiếc giường cưới của hai vợ chồng ra để đủ củi đốt lò. Thật may, chiếc giường cưới khi đó được ghép bằng 4 tấm phản. Tôi đốt hết 2 tấm phản của chiếc giường kỷ niệm của gia đình, cũng vừa may đủ cho gốm chín. Thật may mắn sao, trời không phụ lòng người, mẻ gốm đó thành công.
Khi đó tôi thầm nghĩ : Trời Phật đã độ cho Trần Độ. Âu cũng là bài học cho tôi, cho thế hệ trẻ, nhất là những bạn trẻ khởi nghiệp. Nếu dám cháy hết mình cho đam mê, rồi quả ngọt cuối cùng sẽ đến.
Những sản phẩm của tôi được giới chuyên môn cũng như bạn bè quốc tế đánh giá cao. Sản phẩm gốm Trần Độ mang trong mình hồn cốt Việt được nâng tầm thời đại. Trên nền men gốm cổ, những đường nét hoa văn, họa tiết trang nhã của các triều đại Việt được tái hiện, phục chế lại như nguyên bản.
Năm 2004, sản phẩm Bình rượu cổ triều Mạc vinh dự được Chính phủ dùng làm quà tặng cho các đại biểu dự Hội nghị Cao cấp Á- Âu ( ASEM ) tại thủ đô Hà Nội.
Sau đó, các sản phẩm phục chế mang thương hiệu Gốm Trần Độ dần được giới học thuật và lịch sử công nhận, đánh giá cao. Dựa trên những nghiên cứu sâu về gốm sứ, các viện bảo tàng Việt Nam trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật, trân trọng trưng bầy các sản phẩm gốm phục chế như nguyên bản của lò gốm Trần Độ.
Nhân đây qua Nguồn Việt, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các nhà nghiên cứu, các học giả và các cơ quan đoàn thể, đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Hà Nôi, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miều Quốc tử giám. Để có được thương hiệu như ngày hôm nay, Gốm Trần Độ luôn ghi nhận và biết ơn sự chung tay góp sức của đông đảo giới chuyên môn, của Cộng đồng làng nghề gốm Bát tràng và các sở ban nghành trong chính phủ.
Năm 2005, trong chuyến công du cấp nhà nước của thủ tướng Phan Văn Khải, những sản phẩm gốm Trần Độ được dùng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và Canada.Trong các món quà quý đó có “ Đỉnh gốm triều Nguyễn ” được chính tay thủ tướng Phan Văn Khải trân trọng tặng cho vị Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ George Bush và “ Cặp bình thờ kiểu đời Trần ” được tặng cho vợ chồng Thủ tướng Canada.
Có thể nói, gốm Bát tràng cổ vinh dự như một Đại sứ thương hiệu Việt đến với bạn bè khắp năm châu.
Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nghệ nhân Trần Độ được vinh dự tham gia chương trình hiến tặng linh vật “ Cụ thần Kim quy ” bằng gốm nặng hơn 4 tấn. Linh vật “ Thần Kim Quy ” được chế tác theo nguyên bản từ cụ rùa thiêng Hồ Gươm. Cụ “ Thần Kim quy ” bằng gốm Bát tràng được mọi người long trọng rước từ làng gốm Bát trang về đến Ngọc Sơn ( Hồ Gươm ).
Pv: Với hơn 50 năm miệt mài cùng nghề gốm, cháy hết mình say mê với các tác phẩm,các bộ sưu tập gốm, phải chăng bằng chính cuộc đời mình, ông muốn gửi gắm thông điệp “ Hãy chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ” tới các thế hệ trẻ Việt Nam ngày mai ?
Năm 2010, tôi vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2016, tôi được nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân do Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký . Có thể nói, những đóng góp của tôi cho nghề truyền thống Gốm Bát tràng đã được xã hội ghi nhận.
Truyền thống sẽ xây nên nền móng vững chắc hướng tới tương lai. Qua những sản phẩm gốm, quá trình lịch sử đất nước phát triển qua các thời Đinh- Lý -Trần- Lê…của dân tộc Việt càng ngời lên rực rỡ.
Soi vào lịch sử, tự hào với truyền thống cha ông, thế hệ trẻ Việt Nam khẳng định thêm cội nguồn dân tộc vững chắc tạo nên bệ phóng, hướng tới tương lai, hướng tới sự phát triển mạnh mẽ của đất nước thời kỳ hội nhập 4.0.
Pv: Ông có thể vui lòng cho biết vài hoạt động sắp tới của mình về đồ gốm Trần Độ trong thời gian tới không , thưa ông ?
Nghệ nhân Trần Độ : Tôi xin nhắc lại một câu chuyện cũ. Năm 2010, tôi vinh dự được thay mặt các nghệ nhân làng nghề Gốm Bát tràng hiến tặng pho tượng “ Vua Trần Nhân Tông ” cho trường đại học danh tiếng Harvard Hoa kỳ. Pho tượng từ đó tới nay vẫn được trưng bày tại trường đại học Harvard với thông điệp Hòa bình cho thế giới. Nói như vậy để thấy, được đóng góp cho đất nước vừa là vinh dự , vừa là trách nhiệm đối với Tổ quốc của mỗi người nghệ nhân chân chính.
Sắp tới đây, sự kiện Hội nghị Cấp cao Asean lần thứ 36 tại Đà Nẵng dự kiến diễn ra vào khoảng tháng 11/2020. Hội nghị Cấp cao Asean được tổ chức thường niên có tới 10 nguyên thủ quốc gia các nước Asean và các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung quốc, Ấn độ ... cùng các tổ chức xã hội quốc tế trực thuộc Liên Hiệp quốc, các tổ chức quốc tế vì Hòa bình, các tổ chức kinh tế tài chính hàng đầu thế giới.
Ở sự kiện trọng thể này, tôi đã nhận được lời mời chính thức của Thủ tướng chính phủ. Tại đây, tôi vinh dự được thay mặt làng nghề Gốm Bát tràng trưng bày các sản phẩm của làng nghề gốm. Tại hội nghị, các sản phẩm gốm được trưng bầy mang hồn cốt Việt, đại diện cho văn hóa các triều đại Đinh Lê Lý Trần, Gốm Bát tràng sẽ được đông đảo quan chức, bạn bè quốc tế, kiều bào trên thế giới và người dân ta khắp cả nước biết đến.
Đặc biệt, lần đâu tiên tôi công bố và trưng bày bộ sưu tầm “ Ấn triều Nguyễn ”. Điểm khác biệt của lần trưng bầy này ở chỗ, tôi sẽ hiến tặng toàn bộ “ Ấn triều Nguyễn ” cho Trung tâm bảo tồn di tích cung đình Huế. Đây được coi như món quà chào mừng Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bộ sưu tầm “ Ấn triều Nguyễn “ sẽ được trưng bầy Mừng xuân mới 2021 Tân Sửu tại Cố đô Huế.
PV : Xin phép được hỏi ông một câu hỏi mang tính riêng tư. Ông có dự định nào trong tương lai cho thương hiệu Gốm Trần Độ nổi tiếng ?
Nghệ nhâ n Trần Độ : ( cười và chỉ sang cô con gái thứ 2 ). Mỗi con người đều có sứ mạng của mình trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Tôi đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc bảo tồn và gìn giữ vốn văn hóa cổ thông qua Gốm Bát tràng. Nay có lẽ đã đến lúc nên nhường cho lớp trẻ. Lớp trẻ được đào tạo cơ bản hơn, năng động hơn và cũng thông minh hơn. Tôi thực lòng đã trao cơ nghiệp cho vợ chồng con bé này . ( PV – Vợ chồng con gái thứ 2 Trần Thu Hà và Nguyễn Đức Toàn )
Thực hiện: Nhung Nguyễn